Thái độ quan trọng hơn trình độ – Liệu có thực sự đúng?

Worklink

“Thái độ quan trọng hơn trình độ” là câu nói chắc hẳn ai cũng từng nghe ít nhất một lần. Vậy theo bạn, nó có thực sự đúng?

Trong công việc, có bao giờ bạn thắc mắc nhà tuyển dụng coi trọng thái độ hay trình độ hơn. Liệu một thái độ tốt có khiến nhà tuyển dụng ưu tiên lựa chọn trong xu hướng đòi hỏi cao về trình độ như hiện nay? Theo quan điểm của tôi, vấn đề này thực ra không phức tạp đến thế. Câu chuyện thái độ hay trình độ cũng không hề mâu thuẫn với nhau. Trong bài viết dưới đây, tôi sẽ lý giải tại sao đây là một quan điểm hoàn toàn hợp lý.

Hiểu đúng về quan điểm “Thái độ hơn trình độ”

Trình độ được hiểu đơn giản là năng lực chuyên môn, trình độ học vấn, những kiến thức, kinh nghiệm được tích lũy sau quá trình học tập và làm việc.

Thái độ là cách ứng xử của con người với một vấn đề. Có thể hiểu đó chính là mức độ siêng năng, mức độ cầu thị, sự chủ động, …

Nhiều người lầm tưởng rằng một thái độ tốt là ngoan. Ngoan ở đây còn được hiểu là luôn vâng, dạ, luôn nghe lời, không phản biện hay nêu các ý kiến khác. Nhưng điều này hoàn toàn không đúng. Chúng ta cần hiểu rõ và phân biệt đúng bản chất của thái độ tốt. Thái độ tốt ở đây có thể hiểu theo các tiêu chí như sau:

  • Mức độ và khả năng ham học hỏi
  • Tính chủ động
  • Sự tự tin
  • Tính hợp tác
  • Sự trung thực

Với tất cả các yếu tố này, chắc chắn rằng đây sẽ là người có năng lực tốt. Bởi lẽ không có ai chủ động, tự tin, ham học hỏi lại sở hữu một năng lực kém. Thái độ không chỉ hơn trình độ mà thái độ còn quyết định trình độ.

Thái độ quan trọng hơn trình độ-Liệu có thực sự đúng?
Thái độ quan trọng hơn trình độ-Liệu có thực sự đúng?

Tại sao thái độ quan trọng hơn trình độ

Tại sao nói “Thái độ quan trọng hơn trình độ?” Chắc chắn rằng đây là những lí do bạn nên biết:

1.Nâng cao năng lực chuyên môn dễ dàng hơn rèn luyện một thái độ đúng đắn

Trình độ chuyên môn là điểm mạnh của bạn, là điều bạn tự tin nhất để viết trong CV nhưng thái độ mới chính là điều quyết định bạn có thực sự phù hợp với công ty hay không. Với một thái độ đúng đắn, bạn hoàn toàn có khả năng học hỏi, thích nghi và nâng cao năng lực của mình. Nhiều công ty sẵn sàng đào tạo những nhân viên siêng năng, cầu tiến để họ cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của công ty.

Có thể hiểu đơn giản với một thái độ đúng đắn và sự nỗ lực sẽ giúp bạn thành công trong mọi công việc. Trong khi đó, việc cải thiện thái độ của một người sẽ khó khăn hơn rất nhiều bởi nó thuộc về vấn đề cải thiện nhận thức, hành vi đã cố hữu, ăn sâu.

2.Thái độ có ảnh hưởng mật thiết tới hiệu quả công việc

Thái độ là vấn đề liên quan trực tiếp đến hiệu quả, hiệu suất công việc. Chỉ khi bạn sở hữu một thái độ tốt bạn mới có thể hoàn thành công việc một cách chỉn chu nhất. Thậm chí, với những người có tinh thần cầu tiến, họ sẽ luôn học hỏi, tìm cách để cải thiện, làm cho các công việc đạt được hiệu quả tốt hơn nữa. Ngoài ra, với những người có thái độ tốt, họ sẽ dễ thích nghi, hòa hợp trong quá trình làm việc hay xử lý vấn đề. Bởi vậy, hiệu suất chung của công việc cũng có thể được nâng cao.

3.Thái độ tốt giúp chúng ta vượt qua khó khăn

Khó khăn, thử thách trong công việc là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, khi bạn có một thái độ tốt, một tinh thần lạc quan, đó sẽ là động lực tích cực để bạn vượt qua những khó khăn đó. Chính sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng để tìm ra giải pháp chính là cách giải quyết khủng hoảng tốt nhất mà chúng ta có được.

Tôi nghĩ rằng, với những quan điểm, góc nhìn cá nhân, tôi đã có thể mang đến những lý giải ý nghĩa về sự so sánh giữa thái độ và trình độ. Trong quá trình phỏng vấn, mong rằng bạn hãy thể hiện thái độ tốt nhất để đem lại những ấn tượng tích cực với nhà tuyển dụng.